Ứng dụng công nghệ mới để kiến tạo thành phố thông minh
Ông Nguyễn Văn Quốc - Giám đốc Trung tâm giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là một trung tâm kinh tế - văn hóa, xã hội năng động và phát triển của khu vực miền Trung và Tây nguyên. Với vị trí địa lý chiến lược, nằm ngay trên trục giao thông Bắc - Nam và là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đà Nẵng thực sự là cửa ngõ kết nối Việt Nam với các nước láng giềng. Nơi đây không chỉ là nơi lý tưởng để sinh sống và làm việc, mà còn là nơi đầy hứa hẹn cho những ai đam mê công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Với chiến lược “Chính phủ số, Công dân số, Doanh nghiệp số”, Đà Nẵng đang xây dựng một thành phố thông minh, sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế bền vững.
“Nhìn về tương lai, Đà Nẵng sẽ tiếp tục chú trọng vào việc phát triển các lĩnh vực công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và dữ liệu lớn (Big Data). Chúng tôi kỳ vọng rằng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự cam kết mạnh mẽ từ phía chính quyền, các doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ, Đà Nẵng sẽ nhanh chóng khẳng định vị thế của mình như một trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam và khu vực”, ông Nguyễn Văn Quốc chia sẻ.
Ông Nguyễn Bảo Anh - đại diện cộng đồng bán dẫn khu vực miền Trung, cựu Giám đốc kỹ thuật cấp cao tại Synopsys nhấn mạnh vai trò của dữ liệu trong việc xây dựng thành phố thông minh, ”chất lượng và số lượng dữ liệu sẽ quyết định thành phố thông minh tới đâu. Vấn đề khó nhất vẫn là thu thập số lượng và chất lượng dữ liệu sao cho tốt nhất”.
Theo bà Lynn Hoàng - Giám đốc quốc gia Binance, Blockchain có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, bảo mật và tính minh bạch của các thành phố thông minh, thúc đẩy niềm tin giữa người dân và chính phủ, đồng thời cho phép quản lý đô thị hiệu quả và sáng tạo hơn.
Cụ thể, Blockchain có thể được sử dụng để quản lý các hồ sơ tài sản và đất đai một cách minh bạch, giúp người dân dễ dàng tra cứu và xác minh quyền sở hữu mà không lo ngại về việc làm giả giấy tờ. Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để theo dõi chuỗi cung ứng thực phẩm, từ nguồn gốc sản phẩm đến bàn ăn của người tiêu dùng. Trong vấn đề môi trường, Blockchain giúp theo dõi các quy trình quản lý rác thải, đảm bảo trách nhiệm và khuyến khích các nỗ lực tái chế bằng cách thưởng cho người dân vì những thực hành bền vững.
Từ góc nhìn của một chuyên gia AI, tiến sĩ Nguyễn Phong Sơn - CEO của Neurond AI và COO của Công ty Orient Software chia sẻ: ”Chúng ta có thể ứng dụng AI để xây dựng hệ thống quản lý chung cho thành phố với đầy đủ các dữ liệu về: y tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, kiến trúc… giúp người dân tra cứu thông tin theo hướng cá nhân hóa, sát với nhu cầu tìm kiếm”.
Về những khó khăn khi ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng thành phố thông minh, ông Nguyễn Bảo Anh chia sẻ, có nhiều hướng tiếp cận, nhưng điều cần thiết là kế hoạch cụ thể mang tính hệ thống và lâu dài. Các công nghệ như AI, Blockchain hay IoT… nên được ứng dụng đúng nơi, đúng chỗ để phát huy tối hiệu quả.
Phản hồi về vấn đề này, bà Lynn Hoàng cũng chia sẻ thêm: ”Triển khai AI, IoT, Big Data và Blockchain đòi hỏi một khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ. Đối với nhiều thành phố, việc huy động và quản lý tài chính cho các dự án này có thể là một thách thức. Các công nghệ mới yêu cầu các kỹ năng và kiến thức đặc thù. Việc đào tạo nhân lực để quản lý và vận hành các hệ thống này là cần thiết nhưng cũng đầy thách thức”.
Không có nhận xét nào