Mỹ có thể điều tra nhà sản xuất router TP-Link
Theo Reuters, John Moolenaar của đảng Cộng hòa và Raja Krishnamoorthi của đảng Dân chủ, người đứng đầu ủy ban đặc biệt về Trung Quốc tại Hạ viện Mỹ, đã yêu cầu Bộ Thương mại mở cuộc điều tra đối với router của TP-Link.
Trong lời kêu gọi điều tra của mình, các nhà lập pháp Mỹ đã chỉ trích các lỗ hổng đã biết trong phần mềm TP-Link và các trường hợp router của hãng này bị khai thác để nhắm vào các quan chức chính phủ ở các nước châu Âu. Nội dung bức thư gửi cho Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết: "Chúng tôi yêu cầu Bộ Thương mại xác minh mối đe dọa do các router gây ra, đặc biệt là những router do nhà sản xuất lớn nhất thế giới TP-Link cung cấp", đồng thời họ gọi là "vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng".
Bộ Thương mại cho biết họ sẽ trả lời bức thư thông qua các kênh thích hợp. Đại sứ quán Trung Quốc cho biết họ hy vọng các nhà chức trách sẽ "có đủ bằng chứng khi xác định các sự cố liên quan đến mạng, thay vì đưa ra những suy đoán và cáo buộc vô căn cứ".
Được thành lập tại Trung Quốc vào năm 1996 với trụ sở đặt tại Thâm Quyến, TP-Link cho biết trong một tuyên bố rằng công ty không bán bất kỳ sản phẩm router nào có lỗ hổng an ninh mạng.
Bức thư này là dấu hiệu cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng từ các nhà lập pháp Mỹ rằng Trung Quốc có thể khai thác router và thiết bị khác có nguồn gốc từ quốc gia này để tấn công mạng vào chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Vào năm ngoái, Microsoft đã tiết lộ một chiến dịch tấn công mạng có liên quan đến tin tặc Trung Quốc có tên Volt Typhoon. Bằng cách kiểm soát các router tư nhân, những kẻ tấn công đã tìm cách che giấu các cuộc tấn công tiếp theo vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết vào tháng 1.2024 rằng phần lớn các router bị ảnh hưởng đến từ Cisco và NetGear - đều là các công ty có trụ sở tại San Jose, California (Mỹ).
Năm ngoái, Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng Mỹ (CISA) cho biết router TP-Link có lỗ hổng có thể bị khai thác để thực thi mã từ xa. Cùng thời điểm đó, công ty bảo mật Mỹ Check Point báo cáo rằng tin tặc có liên quan đến một nhóm do chính phủ Trung Quốc tài trợ đã sử dụng phần mềm độc hại cấy ghép vào TP-Link để nhắm vào các quan chức ngoại giao châu Âu.
Bộ Thương mại Mỹ có thẩm quyền rộng rãi trong việc cấm hoặc hạn chế các giao dịch giữa các công ty Mỹ và các công ty internet, viễn thông và công nghệ từ các quốc gia "đối thủ nước ngoài" nếu sản phẩm của họ gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia.
Không có nhận xét nào