Wi-Fi 8 ra mắt năm 2028, hướng tới sự ổn định thay vì tăng tốc độ
Tốc độ của Wi-Fi 8 không cao hơn thế hệ Wi-Fi 7
Theo TechSpot, Wi-Fi 8 sẽ duy trì tốc độ lý thuyết tối đa tương tự Wi-Fi 7, với băng thông kênh 320 MHz và tốc độ lớp vật lý đạt 23 Gbps trong điều kiện lý tưởng. Tuy nhiên, hiệu suất thực tế ước tính chỉ đạt khoảng 80% tốc độ lý thuyết. Điểm khác biệt lớn nhất của Wi-Fi 8 nằm ở khả năng duy trì kết nối ổn định, giảm thiểu sự dao động thường gặp trong tốc độ tải dữ liệu.
Nhóm phát triển IEEE (Viện Kỹ sư Điện và Điện tử) đặt mục tiêu giải quyết tình trạng dao động mạnh của tốc độ tải xuống, thường tăng đột biến trong giây lát rồi giảm nhanh sau đó. Kế hoạch hiện tại của Wi-Fi 8 hướng đến việc tạo ra các kết nối không dây mượt mà, nhất quán hơn, giúp mạng đạt được băng thông tổng hợp tối thiểu 100 Gbps. Điều này đủ để xử lý nhiều kết nối tốc độ gigabit đồng thời trên một bộ định tuyến (Router).
Để đạt được mục tiêu này, Wi-Fi 8 sẽ áp dụng một số công nghệ mới, bao gồm tái sử dụng không gian phối hợp (Coordinated Spatial Reuse), định hướng chùm tia phối hợp (Coordinated Beamforming) và vận hành kênh phụ động (Dynamic Subchannel Operation).
Công nghệ tái sử dụng không gian phối hợp cho phép các điểm truy cập điều chỉnh công suất phát sóng để các thiết bị ở gần đạt được kết nối tốt hơn mà không gây nhiễu đến thiết bị ở xa. Thử nghiệm cho thấy phương pháp này có thể cải thiện hiệu suất truyền tải lên tới 25%.
Định hướng chùm tia phối hợp, một phiên bản cải tiến của công nghệ cũ, giúp tín hiệu được định tuyến chính xác hơn giữa các thiết bị trong mạng đông đúc. Công nghệ này có thể mang lại hiệu quả rõ rệt ở các điểm truy cập công cộng hoặc các mạng gia đình với nhiều thiết bị kết nối.
Vận hành kênh con động cho phép tự động phân bổ kênh dữ liệu dựa trên nhu cầu và khả năng của từng thiết bị. Ví dụ, khi nhiều thiết bị tải xuống cùng một tệp, công nghệ này sẽ ưu tiên thiết bị có khả năng xử lý cao hơn, tối ưu hóa tốc độ tải. Đây là bước phát triển từ Wi-Fi 7, vốn yêu cầu quản lý thủ công.
Wi-Fi 8 thể hiện sự điều chỉnh trong cách tiếp cận thiết kế của IEEE 802.11, khi chuyển từ việc tập trung tăng tốc độ sang chú trọng vào độ ổn định và hiệu suất kết nối. Tiêu chuẩn này được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng mạng không dây của người dùng cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt trong các môi trường mạng phức tạp với nhiều thiết bị kết nối đồng thời.
Không có nhận xét nào